top of page
Tìm kiếm
Hang Nguyen

Headhunter áp dụng AI vào công việc như thế nào?

Trong vài năm gần đây, sự bùng nổ nhanh chóng của AI đã tạo ra những xu hướng mới ở nhiều ngành nghề khác nhau. Biết cách sử dụng các công cụ AI để hỗ trợ công việc đã trở thành kỹ năng được ưu tiên bởi không chỉ giúp người lao động làm việc nhẹ nhàng và năng suất hơn.


Lĩnh vực nhân sự nói chung và ngành headhunting nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng này. Do đó, để có thể thích nghi tốt với sự thay đổi, các headhunter cần trang bị kỹ năng sử dụng các công cụ AI và ứng dụng chúng linh hoạt.


Vậy áp dụng các công cụ AI thế nào cho hiệu quả? Trong bài viết này sẽ chia sẻ một số tính năng mà các headhunter có thể sử dụng ngay bây giờ để hỗ trợ công việc của mình.


Một số công cụ AI hỗ trợ cho headhunter phổ biến

  • ChatGPT Được phát hành vào cuối năm 2022, ChatGPT được nhận định là hiện tượng công nghệ, mở ra kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ của AI. Hiện ChatGPT đã có các phiên bản GPT-3.5, GPT-4, GPT‑4o với khả năng phân tích dữ liệu và tìm kiếm thông tin nâng cao. Các phiên bản nâng cao trả phí còn tích hợp cả công cụ tạo ảnh thông minh, hỗ trợ quá trình thiết kế sáng tạo.


  • Copilot Tiền thân của Copilot là Bing AI - công cụ tìm kiếm tích hợp trí tuệ nhân tạo của Microsoft. Copilot không chỉ đơn thuần trả lời các câu hỏi một cách khô khan mà còn đưa ra gợi ý giúp tăng năng suất và khả năng sáng tạo. Khác với ChatGPT, công cụ này hoàn toàn miễn phí, sử dụng không giới hạn trong Windows 11.


  • Google Gemini Gemini là phiên bản nâng cấp hơn của Google Bard. Công cụ này được xây dựng dựa trên kho dữ liệu khổng lồ từ Google nên có khả năng tạo văn bản, sáng tạo đa dạng các loại nội dung và đáp ứng nhu cầu truy vấn của người dùng về hầu hết như là mọi lĩnh vực. Gemini hiện cũng có cả bản miễn phí và trả phi với giao diện và ngôn ngữ thân thiện với người dùng.


  • Zoho Recruit AI Zoho là phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ tuyển dụng khá phổ biến ở Việt Nam. Sử dụng Zoho Recruit AI giúp đơn giản hóa và tự động hóa một số thao tác, gợi ý nguồn ứng viên tiềm năng. Chatbot AI của Zoho cho phép kết nối trang tuyển dụng của bạn với ứng viên, qua đó làm tăng trải nghiệm của họ khi gửi CV. Headhunter cũng có thể tự do thiết kế các trường thông tin trong phần mềm cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.


Ứng dụng các công cụ AI vào công việc tuyển dụng

Trước khi đi vào việc sử dụng AI thì chúng ta cần hiểu định nghĩa prompt. Prompt là những câu lệnh mà chúng ta sử dụng để giao tiếp hoặc đưa yêu cầu cho AI xử lý.


Thành phần cơ bản của một prompt bao gồm:

  • Hướng dẫn: yêu cầu cụ thể bạn muốn AI làm là gì

  • Ngữ cảnh: các thông tin bổ sung, hoàn cảnh cụ thể là gì

  • Dữ liệu vào: câu hỏi, vấn đề bạn đang cần

  • Dữ liệu ra: kết quả bạn mong muốn


Bạn đưa Prompt càng chung chung thì câu trả lời của ai càng khái quát và không giải quyết được vấn đề. Ngược lại, Prompt càng rõ ràng thì câu trả lời AI đưa ra càng chất lượng.


Ví dụ về Prompt: Bạn đang là một headhunter và mới nhận JD dưới đây từ khách hàng, tôi cần bạn tóm tắt JD này và vẽ cho tôi chân dung một ứng viên phù hợp bao gồm các yếu tố sau: kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, địa điểm, học vấn.


Vậy sau khi biết cách tạo Prompt hợp lệ rồi thì các công cụ AI có thể giúp chúng ta làm gì?

  • Nghiên cứu thị trường lao động: Với khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như mạng xã hội, trang web, khảo sát, báo cáo,... một cách nhanh chóng và chính xác thì AI là công cụ đắc lực giúp headhunter không cần bỏ ra hàng giờ đồng hồ để tự nghiên cứu và tổng hợp nữa.


  • Tạo quy trình tuyển dụng phù hợp: Chỉ cần đưa prompt rõ ràng về quy trình tuyển dụng mà bạn mong muốn, AI sẽ trả một quy trình mẫu trong giây lát để headhunter có thể tham khảo và xây dựng quy trình tuyển dụng của riêng mình nhanh chóng.


  • Đọc hiểu JD và tạo chân dung ứng viên: Chỉ cần được đưa JD cùng prompt mô tả các yếu tố cần thiết, AI sẽ trả về kết quả chân dung ứng viên chi tiết. Từ đó headhunter có thể rút ra cái nhìn tổng quan và những insights đầu tiên về ứng viên mình muốn tìm.


  • Tạo boolean search và tìm kiếm ứng viên: Sau khi đưa JD cho AI đọc và có chân dung ứng viên, headhunter có thể yêu cầu AI tạo giúp mình một boolean search dùng để tìm kiếm trên Google, LinkedIn,... Ngoài ra AI cũng có thể gợi ý thêm những website hay hội nhóm, mạng xã hội mà ứng viên tiềm năng đang “nằm vùng" ở đó, giúp headhunter đa dạng hóa nguồn ứng viên.


  • Đánh giá độ phù hợp của ứng viên: Headhunter có thể yêu cầu AI tạo giúp mình danh sách các câu hỏi cho các cuộc gọi để sàng lọc ứng viên. Đồng thời AI cũng có thể so sánh thông tin trong hàng trăm CV với JD để loại bỏ những hồ sơ không phù hợp với vị trí đang tuyển dụng trong một thời gian rất ngắn.


Kết luận

Sử dụng các công cụ AI trong tuyển dụng là một cơ hội lớn để cải thiện trải nghiệm cho cả headhunter và ứng viên, song việc sử dụng chúng vẫn còn nhiều hạn chế và không thể thay thế con người. Thêm nữa, các tiêu chuẩn về đạo đức và pháp lý phải được duy trì trong suốt quá trình tuyển dụng để đảm bảo sự công bằng và dữ liệu cá nhân của ứng viên. Do vậy, các headhunter không nên phụ thuộc nhiều vào AI mà vẫn cần nâng cấp chuyên môn của mình để đảm bảo chất lượng tuyển dụng.


Bên cạnh đó, các headhunter hãy không ngừng trau dồi kỹ năng sử dụng các công cụ AI hiệu quả đáp ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường. AI không thể thay thế con người nhưng nếu không biết sử dụng AI thì sẽ là một bất lợi lớn.

40 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page